Chuyến Khảo Sát Thực Tế Về Tình Hình Bão Lũ Miền Trung

Tâm thư kêu gọi cứu trợ đồng bào bị bão lũ miền Trung
10 November, 2017
Cứu Trợ Đồng Bào Lũ Lụt Tại Xã Diên Phước, Huyện Diên Khánh, Tỉnh Khánh Hòa ngày 10-01-2017
8 December, 2017

Vừa qua, đại diện Quỹ Từ Thiện Tu Viện Tường Vân (TVTV) đã có chuyến đi khảo sát thực tế tình hình bão lũ ở 4 tỉnh miền Trung: Ninh Hòa (Khánh Hòa), Phú Yên, Bình Định và Quảng Nam vào 02 ngày (từ ngày 11 và 12.11.2017) để ghi nhận cụ thể về những hoàn cảnh khó khăn của bà con nghèo đang đối diện trước khi thực hiện chuyến đi cứu trợ sắp tới. Trong chuyến đi này, đoàn đã lưu lại các hình ảnh quý giá và những câu chuyện đầy thương tâm của người dân nơi đây.

Đại diện Quỹ Từ Thiện TVTV là PT. Minh Từ (Phó Giám Đốc Quỹ) đã phối hợp cùng các lãnh đạo chính quyền, các sư thầy và sư cô địa phương để tiếp cận trực tiếp vùng bị thiệt hại nặng nề và đang gặp khó khăn nhất.

Ngày đầu tiên: Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) và tỉnh Phú Yên

Dọc theo những tuyến đường miền Trung, chúng tôi chứng kiến hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, một số căn bị sập hoàn toàn ở Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Những trụ điện, biển quảng cáo kiên cố cũng bị gió bão quật ngã, nằm la liệt ở dọc đường, hàng loạt cây cối ngã rạp. Được biết đây là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão vừa qua.

Hàng loạt ngôi nhà bị tốc mái

Cây cối ngã đổ hàng loạt

Cùng ngày, đoàn từ thiện cũng tranh thủ đến làng chài Vũng La (thuộc thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) khi trời vừa sập tối.

Được sự hỗ trợ của thầy Thích Quang Thành (Trụ trì chùa Liên Phú), chúng tôi mất một tiếng đồng hồ để vượt qua 14km đường ven biển đầy gập ghềnh, lõm chõm đá và sình lầy. Đường xá tại đây di chuyển khá khó khăn vì bị nước biển tràn vào, ngập nặng nên hình thành những lỗ hang lớn trên mặt đường, một số vũng nước lớn vẫn còn tồn đọng lại.

Đường đến làng chài Vũng La (thuộc thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) 

Tại đây, chúng tôi được thầy Thích Quang Thành (Trụ trì chùa Liên Phú) cho hay: Công việc chính của người dân tại đây là nuôi trồng thủy sản. Cơn bão vừa qua đã làm thiệt hại hơn 70% tôm, tróc 18 mái nhà và hệ thống điện cũng bị hư hại hoàn toàn khiến mọi sinh hoạt rất khó khăn, người dân sống trong sự tối tăm mỗi khi đêm xuống.

Vùng chài bị thiệt hại nặng trong cơn bão vừa qua

Ngày thứ hai: Tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Nam

Được sự hướng dẫn của sư cô Minh Tâm – trụ trì chùa Mỹ Hóa (tỉnh Bình Định), đoàn khảo sát của Quỹ Từ Thiện đã tìm đến thôn Chánh Hữu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đây là vùng bị ngập nặng nhất sau cơn bão lũ vừa qua. Đến đây, dường như chúng tôi không thể phân biệt rõ đâu là đường đi, đâu là bờ ruộng nếu như không được các chính quyền địa phương nhiệt tình hỗ trợ, bởi nước còn ngập mênh mông.

Đoàn đến thôn Chánh Hữu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. 

Theo người dân nơi đây cho biết: Tất cả những hoa màu, đồng ruộng của họ bị ngập hoàn toàn trong biển nước. Khi lũ tràn về kèm theo mưa lớn, họ chỉ biết ngồi nhìn chứ không thể làm được gì hơn.

Mưa lũ đã nhấn chìm hết đồng ruộng, hoa màu của người dân

Đặc biệt, chúng tôi đã đi vào tận nơi ngôi nhà 60m2 bị sập hoàn toàn trong trận thiên tai vừa qua. Trước mặt chúng tôi là đống đá nằm ngổn ngang. Nhà này chỉ có 2 bà cháu sinh sống, nhưng may thay họ đã kịp thời được người dân ở xóm hỗ trợ đưa đi trú ẩn gần đó nên không bị thương tích.

Ngôi nhà bị sập tại thôn Chánh Hữu 

Tại tỉnh Quảng Nam – Vốn nằm dọc theo những dãy núi lớn và gần hồ thủy điện sông Tranh, Bắc Trà My là một trong những điểm bị thiệt hại lớn về tính mạng lẫn nhà cửa sau cơn mưa lũ vừa qua. Được biết, nơi đây có rất nhiều nhà cửa bị sập hoàn toàn do núi bị sạt lỡ trực tiếp. Theo thống kê sơ bộ đã có đến 12 người bị đất đá chôn vùi trong đó có người bị thương, người chết và một số người chưa tìm được xác.

Xe cẩu đang mở đường cho vùng bị sạt lỡ

Theo chân của thầy Thích Viên Hải – Trụ trì chùa Linh Bửu (Quảng Nam), Quỹ Từ Thiện Tu Viện Tường Vân đã đến bệnh viện Đa Khoa tỉnh Quảng Nam để thăm hỏi ba trường hợp đặc biệt được may mắn cứu sống trong trận sạt lỡ. Đó là:

1. Chị Đỗ Thị Thái khi đang làm việc thì bất ngờ núi đá sạt xuống, khiến bị chị chôn vùi và tưởng chừng đã mất mạng. May thay, bà con xung quanh kịp thời đào bới đất đá để cứu chị. Tuy nhiên, chân chị bị thương và nhiễm trùng nặng dẫn đến hoại tử và buộc các bác sĩ phải cắt bỏ đi một chân.

Chị Đỗ Thị Thái bị cắt bỏ một chân do bị hoại tử

Chúng tôi được người thân của chị cho hay: Chị là lao động chính trong gia đình 3 người, không có chồng nên cạnh nên một thân phải bươn chải nuôi con. Trước hoàn cảnh đáng thương này, PT. Minh Từ (GĐ Quỹ) đã kịp thời hỗ trợ 5.000.000 đồng.

Quỹ Từ Thiện TVTV hỗ trợ chị Thái 5.000.000 VNĐ

2. Tiếp đến là chị Đỗ Thị Ánh Nguyệt (21 tuổi), khi đang bế đứa con 2 tuổi chạy sang nhà kế bên để trú bão thì chẳng may căn nhà bị sập, đè chị nằm dưới đất đá.

Chị Đỗ Thị Ánh Nguyệt đang bị chấn thương sọ não

Người dân khi nghe tiếng động lớn vội chạy sang thì kịp thời cứu được hai mẹ con. Hiện tại đứa bé chỉ bị trầy nhẹ, còn chị thì toàn thân bị thương nặng toàn thân, vùng đầu bị trấn thương sọ não và đang chờ mổ. Quỹ từ thiện đã hỗ trợ trực tiếp 5.000.000 đồng để phụ giúp chi phí cho quá trình điều trị tiếp theo.

Quỹ Từ Thiện TVTV hỗ trợ chị Nguyệt 5.000.000 VNĐ

3. Cuối cùng là Anh Nguyễn Duy Luật (39 tuổi), làm nông cũng bị thương khắp cơ thể khi nước lũ tràn vào khiến nhà bị sập. Tình trạng hiện nay anh phải đang đối mặt là bị gãy tay và nứt xương đùi. Quỹ đã hỗ trợ anh 2.000.000 đồng.

Anh Nguyễn Duy Luật bị gãy tay và nứt xương đùi

Điểm chung mà chúng tôi thấy được ở ba nạn nhân này chính là nét mặt đầy đau đớn, cơ thể mỏi mệt và tinh thần bơ phờ. Họ chính là nhân chứng sống về sự tàn hại khốc liệt của cơn bão lũ số 12 vừa qua.

Để hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân huyện Bắc Trà My – tỉnh Quảng Nam, từ trung tâm tỉnh Quảng Nam, đoàn chúng tôi mất gần 3 tiếng để vượt đường đèo dọc núi để đến trực tiếp. Suốt đoạn đường đi, chúng tôi gặp không ít những trở ngại do bùn đất, sình lầy, đất đá bị sạt lỡ, cây cối ngã đổ trước đó, một số nơi đang được xe cẩu dọn dẹp lại để mở đường.

Đường đến  huyện Bắc Trà My – tỉnh Quảng Nam khá gập ghềnh và khó khăn

Người dân nơi đây cho biết: Họ bị cô lập hoàn toàn, giao thông bị tắt bởi sự sạt lỡ, hệ thống điện bị hư hỏng nặng nên họ phải trải qua những ngày sống vô cùng cực khổ, vừa lạnh vừa đói và vừa lo sợ nhà sẽ bị sập bất kỳ lúc nào.

Quả thật, khi vượt hơn 1.000 cây số để nhanh chóng đến trực tiếp những vùng bị thiệt hại nặng nhất của 4 tỉnh, chúng tôi mới hình dung được cảnh khổ thật sự của đồng bào mình khi phải đối diện với “cơn phẫn nộ của mẹ thiên nhiên” là như thế nào.

Có đi thực tế chúng tôi mới hiểu được nỗi đau mà bà con nghèo đang phải gánh chịu

* Vì thế, sau chuyến đi này Quỹ Từ Thiện TVTV đã quyết định bổ sung thêm tỉnh Bình Định vào danh sách các tỉnh cần cứu trợ ở miền Trung, tăng thêm 500 phần quà, nâng tổng số tiền cứu trợ lên 1.000.000.000 VNĐ ( Một tỉ đồng), thay vì trước đó chúng tôi dự tính chỉ 750.000.000 VNĐ cho 1.500 phần quà.

Có thể nói, không bao nhiêu cho đủ để bù đắp những nỗi khổ về vật chất lẫn tinh thần mà bà con nơi đây đã gánh chịu, nếu như được tận mắt chứng kiến cuộc sống thiếu thốn của họ, làm lụng vất vả rồi lại mất đi tất cả.

Những hình ảnh được ghi nhận lại sau chuyến đi khảo sát thực tế

Tại Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa)

Nhà cửa bị sập hòa toàn

Hệ thống điện đang được khắc phục dần

Hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái

Tại tỉnh Bình Định

Nước ngập mênh mông nhấn chìm ruộng lúa, hoa màu

Người dân đa phần di chuyển bằng thuyền

Căn nhà sập tại thôn Chánh Hữu

Tại tỉnh Phú Yên

Đường đến làng chài Vũng La 

70% tôm nuôi trồng bị mất sạch

Tại tỉnh Quảng Nam

1. Trường hợp của chị Đỗ Thị Thái bị cắt bỏ một chân

2. Trường hợp của chị Đỗ Thị Ánh Nguyệt bị chấn thương sọ não

3. Trường hợp của anh Nguyễn Duy Luật bị gãy tay và nứt xương đùi

Đường đến huyện Bắc Trà My – tỉnh Quảng Nam

Leave a Reply

Your email address will not be published.